Hình ảnh trên: Trong bữa tiệc trưa riêng với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại New York, tôi đã trình bày đề xuất của mình về việc tăng cường lực lượng lao động Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu thông qua một hoạt động nho nhỏ. Trước khi quản lý HackerNoon tôi là giáo viên, sau 2 tiếng nói chuyện “nghiêm túc” liên tục, tôi có thể cảm nhận được năng lượng trong phòng tan biến như bong bóng xì hơi. Vì vậy, tôi yêu cầu mọi người nhanh chóng đứng lên trong vài phút để “bỏ ngọ nguậy” (như chúng tôi thường nói trong lớp học). Đó là một cách khá độc đáo để tiếp cận một trong những cán bộ cấp cao nhất ở Việt Nam, nhưng nó đã khiến nhiều người trong phòng bật cười (một số người cười nhiều hơn những người khác 😉
Bạn có thể xem bài nói chuyện ở đây cùng phụ đề Tiếng Anh
Kính thưa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các chuyên gia, cố vấn cấp cao và các doanh nhân nữ có mặt tại đây ngày hôm nay.
Tôi tên là Linh Đào Smooke, hiện là đồng sở hữu và Giám đốc điều hành của HackerNoon , một trong những ấn phẩm hàng đầu ở Hoa Kỳ về công nghệ cập nhật, từ trí tuệ nhân tạo , phát triển phần mềm , tiền điện tử ,blockchain , đầu tư & gây quỹ , v.v. . Được thành lập cách đây hơn 7 năm, HackerNoon hiện là tờ báo điện tử được hơn 4 triệu độc giả toàn cầu tin tưởng và đọc, với sự đóng góp của hơn 45 nghìn người viết và thông qua 3 nỗ lực gây quỹ, tổng giá trị gần đây là 50 triệu USD . Tôi muốn chia sẻ với quý vị quan điểm cá nhân của tôi về giáo dục khai phóng và tầm quan trọng của nó đối với công tác quy hoạch lực lượng lao động của Việt Nam, trong bối cảnh có nhiều thay đổi khó lường, đặc biệt là với sự phát triển nhanh chóng của AI.
Đầu tiên, tôi muốn nói về tầm quan trọng của việc chú trọng giáo dục khai phóng sớm (như anh Cường Đỗ đã đề cập ngắn gọn trong bài nói chuyện của mình), đặc biệt là tư duy đổi mới, tìm tòi, sáng tạo, cởi mở và tư duy “dám nghĩ và làm”. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Hà Nội. Ở tuổi 16/17, tôi may mắn là một trong 4 học sinh Việt Nam nhận được học bổng toàn phần sang Ấn Độ tại ngôi trường cấp 3 mang tên United World College với cơ sở ở 18 quốc gia khác nhau, sau đó tiếp tục lại học bổng toàn phần vào Đại học Brown, top 8 trường đại học (Ivy League) tại Mỹ. Khi tốt nghiệp, tôi đau đáu cảm thấy như mình nợ học bổng thay đổi cuộc đời này và tôi muốn làm gì đó để đền đáp lại. Sau đó, tôi thành lập trại hè đầu tiên dành cho học sinh cấp hai ở Hà Nội (cấp 2 chứ không phải cấp ba hoặc đại học vì tôi nghĩ được tiếp xúc với tư duy đổi mới càng sớm thì càng tốt). Sau đó, tôi trở thành Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Đại học Minerva, một ngôi trường đại học “khai phóng” (liberal arts) mà đã trở thành nguồn cảm hứng cho Đại học Fulbright Việt Nam, nơi bà Thùy Đàm hiện là hiệu trưởng. Tôi và cô ấy hiện đang là thành viên hội đồng quản trị của dự án xây dựng trường trung học UWC đầu tiên ở Việt Nam, có thể là Bình Định/Quy Nhon. Từ hành trình học tập của chính mình, tôi nhận ra rằng kiến thức và tiềm năng của mình nằm ngay tại đây (chỉ vào trái tim). Nhưng tôi cần phải khám phá nó. May mắn của tôi không chỉ là được đến một đất nước nào đó, học tập từ một giáo sư nổi tiếng hay nhận được sự hỗ trợ tài chính đáng kể. May mắn của tôi là: ở độ tuổi chưa trưởng thành, tôi nhận ra rằng mình có thể vượt qua những trở ngại vô hình mà nhiều bạn cùng lứa cũng học ở những trường công lập tốt như tôi đã gặp phải: đó là suy nghĩ “ ôi, mình không thể làm được gì cả. Mình quá nhỏ bé. Những vấn đề của bản thân chúng ta nói riêng và của xã hội nói chung là quá lớn. Tôi không thể .” Bằng cách nào đó, tôi tin rằng tôi có thể. Và niềm tin đó biến thành hành động. Và hành động biến thành kết quả. Đối với hai đứa con nhỏ của mình, tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy cởi mở, khám phá, dám nghĩ và làm, chẳng hạn thông qua phương pháp giảng dạy Montessori, hay đơn giản là phương thức.. ăn dặm bé chỉ huy.
Thứ hai, tôi muốn nói về Trí tuệ nhân tạo. Không thể phủ nhận AI sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế, chính trị và nhân lực trên toàn cầu. Sẽ có nhiều việc làm hôm qua cần nhưng hôm nay không còn cần nữa, dẫn đến thất nghiệp hàng loạt. Nhưng bù lại, sẽ có rất nhiều công việc mà ngày nay không ai có thể coi là nghề mà trong tương lai sẽ tạo ra thu nhập cho hàng triệu người. Điều này đã từng xảy ra trước đây, đặc biệt là trong 50 năm qua khi công nghệ, điện thoại thông minh và mạng xã hội ngày càng trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống. Nhưng AI sẽ buộc phải đẩy nhanh tốc độ thay đổi về nguồn nhân lực. Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đầu tư vào công nghệ bán dẫn của chính phủ. Nói một cách thẳng thắn, quốc gia nào sản xuất càng nhiều chip thì quốc gia đó càng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Thứ ba, tôi muốn nói về internet, và giáo dục không chính thức. Tư duy đổi mới không nhất thiết chỉ đến qua sách vở và trường học. Internet có thể là trường học của bạn nếu bạn có kỹ năng tư duy phê phán và tư duy sáng tạo. Như Sam Altman , Giám đốc điều hành và đồng sáng lập OpenAI đằng sau chatGPT , đã đề cập trong một trong những podcast gần đây của mình, anh ấy đang đặt cược vào công ty đầu tiên có một người sáng lập solo và được định giá hơn 1 tỷ đô la sẽ được thành lập trong vài năm tới.
Trong những năm điều hành HackerNoon, tôi đã đọc hàng nghìn bài báo về công nghệ được viết từ khắp nơi trên thế giới. Một phần tư người dùng của chúng tôi đến từ Hoa Kỳ. Top 10 quốc gia đọc và viết nhiều nhất trên HackerNoon là Hồng Kông, Anh, Đức, Trung Quốc, Canada, Brazil, Pháp và Nhật Bản. Chúng tôi dịch các bài viết chất lượng hàng đầu sang 7 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Tuy nhiên, không có nhiều độc giả, nhà văn Việt Nam vẫn biết và sử dụng nền tảng HackerNoon. Tôi thực sự hy vọng rằng các doanh nhân và những người theo dõi bài phát biểu này sẽ tận dụng được kiến thức từ thư viện miễn phí gần 100.000 bài viết khác nhau của Hackernoon và thậm chí đóng góp cho HackerNoon. Đây là cách tôi nghĩ mọi người có thể học suốt đời chứ không chỉ trong 4 bức tường trường học.
Cám ơn vì đã lắng nghe!